Vẽ truyện tranh – Nghề khó và dễ nhưng cũng lắm khắc nghiệt
Nổi tiếng từ lâu trong giới họa sĩ vẽ truyện tranh, Tuyệt Đỉnh Sinh Vật (tên thật là Lê Mai Anh, sinh năm 1990) đang là một cái tên được các nhà xuất bản sách, các báo săn đón với tài năng “múa cọ” của mình. Đang là sinh viên năm cuối Đại học Mỹ Thuật Hà Nội, thành công mà cô bạn này đạt được ở thời điểm hiện tại khiến cho không ít người phải ngưỡng mộ, ghen tỵ.
Xinh đẹp, vẽ giỏi, kinh doanh cũng rất cừ, Tuyệt Đỉnh Sinh Vật (TĐSV) không ngần ngại chia sẻ những bí kíp, trải nghiệm của mình cho những teens đam mê nghề họa sĩ vẽ truyện tranh.
Nụ cười hút hồn của “họa sĩ” trẻ tài năng.
- Hi TĐSV, nhiều người biết đến bạn qua những bộ sưu tập tranh vẽ hút hồn. Lý do nào đã đưa bạn đến với nghề này vậy?
- Từ nhỏ mình đã đến với bộ môn vẽ này và nó ăn sâu vào máu từ lúc nào cũng không hay. Càng lớn lên niềm đam mê ấy lại càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Ngay từ năm lớp 10 mình đã tham gia vẽ minh họa cho một số tờ báo tuổi teen. Lúc đầu nghĩ vẽ tranh chỉ là một công việc làm thêm trong thời gian đi học chứ cũng chưa nghĩ đến sẽ xem nó làm cái “nghiệp” sau này của mình đâu. Nhưng càng vẽ thì càng thấy yêu thích và tay nghề thì nâng cao một cách rõ rệt.
- Công việc này có điều thú vị đế hấp dẫn bạn đến thế?
- Với nghề vẽ truyện tranh này điều hấp dẫn có lẽ là bạn được thỏa sức sáng tạo với cọ và giấy. Bất kỳ một ý tưởng, khoảnh khắc nào bạn cũng có thể ghi lại bằng những nét vẽ của mình.
Cảm giác khi nhìn thấy mọi người dùng tranh của mình để làm hình nền máy tính, điện thoại hay hình ảnh minh họa cho những câu chuyện của họ… rất tuyệt vời. Đó cũng là niềm ước mơ của rất nhiều người cầm cọ nói chung.
- Là một sinh viên Mỹ thuật còn rất trẻ nhưng đã rất thành công, bạn gặp phải những khó khăn gì trên con đường này?
- Hầu như tất cả mọi người đều có định kiến với việc theo đuổi nghệ thuât, coi nghệ sĩ hâm hâm dở dở, nghèo nát và sẽ có một cuộc sống khó khăn. Từ các bạn cùng trường thuở học sinh cho đến những người lớn xung quanh mình, khi hỏi mình về việc mình sẽ sống bằng nghề vẽ, đều có sự nghi ngại, không tin tưởng và nói thật là cũng có chút thiếu tôn trọng.
Nhiều người dường như đang xác định nghề nghiệp bằng cách chọn xem nghề gì kiếm được nhiều tiền nhất, đặt mục tiêu năm bao nhiêu tuổi là sẽ có được nhà lầu, xe hơi… Những điều đó mình chưa bao giờ đặt làm mục đích sống.
Cực duyên dáng trong tà áo dài
- Bạn đã vượt qua khó khăn đó ra sao?
- Càng theo đuổi và tôn trọng chính nghề nghiệp mình chọn thì mình lại càng thấy nghề họa sĩ hóa ra có vô vàn cơ hội và không mông lung như nhiều người vẫn nghĩ. Bạn yêu nghề của bạn rồi người khác sẽ yêu bạn.
- Theo bạn để theo đuổi nghề họa sĩ vẽ truyện tranh cần hội tụ những yếu tố gì?
- Để trở thành một họa sĩ vẽ truyện tranh bạn cũng cần phải trải qua những yếu tố “khắc nghiệt” lắm nhé.
Trước tiên quan trọng nhất là bạn cần có năng khiếu vẽ. Đây có lẽ là yếu tố quan trọng và cần thiết nhất để bạn nuôi ước mơ trở thành một họa sĩ.
Tiếp sau đó dĩ nhiên là đam mê. Vẽ ra một bộ truyện tranh cũng như làm ra một bộ phim, bạn phải đảm nhiệm từ vai đạo diễn cho đến diễn viên chính, phụ. Họa sĩ truyện tranh cũng phải là người có logic tốt và có khả năng đồng cảm thấu hiểu con người cao. Như thế thì sản phẩm của bạn mới có hồn.
Với những ai theo nghệ thuật thì sự sáng tạo là điều cần thiết. Sáng tạo để phát triển và tạo nên dấu ấn riêng. Bạn nên đi nhiều và trải nghiệm nhiều thứ, lúc đó “vốn liếng” của bạn sẽ được tích lũy và cơ hội phát triển nghề sẽ cao hơn rất nhiều.
- Để thành công trong nghề vẽ thì phải kiên trì và tập luyện ghê lắm. Bạn đã làm gì để có được kết quả như ngày hôm nay?
- Theo đuổi nghề vẽ rất thú vị, bajn càng vẽ nhiều thì khả năng của bạn càng tăng. Học, học nữa, họcc mãi, hay vẽ, vẽ nữa, vẽ mãi, vẽ cho đến hết đời cũng không chắc đã biết vẽ hết mọi thứ.
Mình đã luyện tập bằng hai cách: học ở trường và làm thêm ở ngoài. Việc học vẽ ở trường giúp bạn có căn bản tốt, còn việc làm thêm giúp những kiến thức học được ở trường được phát huy thực tế hơn, sáng tạo hơn.
- Trong hội họa nói chung, vẽ truyện tranh nói riêng điều gì khiến bạn quan tâm nhất?
- Điều mình quan tâm là những thứ mình vẽ đem lại gì cho mình, là hạnh phúc hay là mệt mỏi, và mệt mỏi đó có đáng hay không? Hơn nữa một người vẽ chân chính là người phải biết làm cho “đứa con tinh thần” của mình sao cho thật có hồn và nhận được sự đồng cảm từ mọi người. Tranh vẽ ra mà người xem có cảm giác nhạt nhẽo thì buồn lắm.
- Làm nghệ thuật nói chung và vẽ tranh nói riêng luôn phải tìm cách tạo dấu ấn riêng. Bạn làm gì để tạo nên dấu ấn cho riêng?
- Dấu ấn riêng tạo ra từ chính cá tính của bạn. Người có cá tính và biết mình muốn gì sẽ tạo ra những tác phẩm đặc biệt mang đạm dấu ấn riêng. Khi bắt đầu tập vẽ mình cũng chưa biết phong cách sau này của mình thế nào, cũng có học tập chép tranh một vài họa sĩ mình yêu thích. Dần dần khi vẽ nhiều hơn và tự đưa suy nghĩ của mình vào trong tranh thì tranh mình cũng dần trở nên có bản săc riêng.
- Hãy chia sẻ những kinh nghiệm “xương máu” mà bạn đã trải qua với những ai yêu bộ môn này đi?
- Khi học vẽ luyện thi, hãy dùng con mắt của mình để ước lượng khoảng cách, hình dáng nhiều hơn là dùng thước để đo. Khi vẽ luôn luôn so sánh: so sánh đầu người bằng bao nhiêu phần các bộ phận còn lại, so sánh tay trái tay phải tay nào đưa gần hơn, so sánh mắt trái mắt phải mắt nào tối hơn…
Thi thoảng đang vẽ hãy đặt bài ra cạnh mẫu và so sánh với mẫu, bạn sẽ nhận ra ngay mình cần vẽ và sửa ở đâu. Khi đánh bóng hãy xác định đâu là điểm tối nhất, sáng nhất trên mẫu và cứ lấy hai điểm đó để kiểm soát độ đậm nhất của các vùng xung quanh.
Muốn vẽ màu tốt hãy ngắm và chép nhiều bài màu đẹp. Luyện kí họa nhiều để tăng khả năng bắt hình. Những nhận xét của thầy cô có thể khiến mình hoang mang không hiểu gì hết, nhưng không sao, cứ chăm chỉ vẽ đi rồi sẽ đến lúc vỡ ra hết .
Chưa đủ để dạy ai. Việc mình có thể khuyên bạn chỉ là bạn hãy cứ vẽ mọi thứ xung quanh bạn, vẽ thật nhiều vào rồi tự bạn sẽ tiến bộ cũng như vỡ ra được nhiều điều. Đừng vẽ đi vẽ lại một thứ bạn đã giỏi rồi ngồi than phiền không biết vẽ những thứ khác lạ hơn như thế nào.
Một bức ký họa công phu của Tuyệt Đỉnh Sinh Vật.
- Thị trường Việt Nam hiện nay có vẻ “kén chọn” nghề vẽ truyện tranh. Bạn nghĩ sao về điều này?
- Nghề vẽ truyện tranh ở VN vẫn còn nhiều khó khăn. Họa sĩ vẽ truyện tranh không được trả công xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Hầu hết các họa sĩ truyện tranh phải làm thêm các nghề khác như minh họa, làm game… để có tiền nuôi ước mơ của mình.
- Bạn muốn nhắn nhủ gì với những sĩ tử sẽ chọn nghề họa sĩ làm cái nghiệp để theo đuổi?
- Dù có gì ngăn cản, hãy làm cho cuộc đời này đẹp hơn vì có bạn. Trước hết hãy xem nghề họa sĩ truyện tranh như là một nghề để bạn sống và thỏa mãn với đam mê của chính mình. Tiền bạc hay làm giàu với nghề này sẽ là điều thú vị khi bạn “gia nhập” sẽ khám phá ra đấy. Chúc các bạn thành công!